Từng mơ đổi đời nhanh với việc “đào” tiền ảo, giờ đây nhiều thanh niên Trung Quốc đang đối mặt với những hậu quả nặng nề sau khi giá các đồng tiền số giảm mạnh.
Lu Qing, một thanh niên 24 tuổi, từng kiếm bộn tiền với dịch vụ khai thác tiền ảo tại thành phố Delingha, Tây Tạng. Nhưng gần đây anh đã trở về nhà ở tỉnh Giang Tây do thất bại trong kinh doanh. Trong bối cảnh giá đồng Bitcoin sụt gần 80% so với mức đỉnh, giới đầu tư đang tháo chạy khỏi tiền mã hóa. Ở những nước cấm giao dịch tiền ảo như Trung Quốc, hậu quả của việc tiền thuật toán giảm giá vẫn rất lớn, đặc biệt đối với những người trẻ mơ làm giàu nhanh.
Vẫn có lãi khi giá tiền ảo bắt đầu giảm
Giới khai thác tiền ảo kiếm tiền bằng cách cho thuê năng lực máy tính để xác thực giao dịch. Anh Lu vận hành công ty đào tiền ảo tại một khu công nghiệp ở tỉnh Thanh Hải để tận dụng nguồn điện giá rẻ do các công ty quốc doanh cung cấp. Vào giữa năm 2018, cơ sở khai thác tiền ảo của Lu có tới 7.000 máy đào. Đứng ở ngoài cơ sở, người ta có thể nghe âm thanh lớn của các máy làm mát. Lu giữ cổ phần tại cơ sở này, cài đặt các máy đào với tiền cá nhân, đồng thời vận hành thiết bị đào tiền ảo cho người khác.
Khi giá tiền ảo bắt đầu giảm, cơ sở của Lu vẫn có lãi, nhờ giá điện thấp tại Thanh Hải – tỉnh có nguồn năng lượng gió và mặt trời dồi dào.
“Mơ ước của tôi là tăng số máy đào tiền mã hóa lên 12.000 và một ngày tôi sẽ trở thành nhà đầu tư tầm cỡ như George Soros,” Lu từng thổ lộ như vậy.
Nhưng công ty của Lu sụp đổ khi giá đồng Bitcoin lao từ mức đỉnh gần 20.000 USD xuống dưới 4.000 USD. Hàng loạt khách hàng hủy hợp đồng nên Lu phải bán tháo các máy đào.
Giá máy đào tiền ảo giảm hơn 70 lần
Quận Huaqiangbei thuộc thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông vốn nổi tiếng với hoạt động mua bán đồ điện tử. Trong các tòa nhà thương mại ở quận này, thương nhân bày bán vô số máy đào tiền ảo cũ. Một số máy có giá dưới 400 nhân dân tệ (59 USD), giảm hơn 73 lần từ mức giá gần 30.000 nhân dân tệ (4.425 USD) hồi năm 2017.
Các máy đào là đối tượng mà các nhà đầu tư rót tiền để thu lợi nhuận. Phần lớn tiền của họ dành cho việc mua điện (để chạy máy đào). Song khi các máy đào không còn triển vọng mang lại lợi nhuận, nhà đầu tư sẽ bỏ chúng. Vì thế, giá của các máy đào tụt dốc với tốc độ tháo chạy của giới đầu tư.
Cuối năm 2018, Shixing Mao, chủ của F2pool – cơ sở đào Bitcoin lớn thứ ba thế giới, thừa nhận khoảng 600.000 máy đào của anh phải dừng hoạt động trong 2 tuần do khủng hoảng giá tiền ảo. Mao cũng tiết lộ đa số không tạo ra lợi nhuận do giá Bitcoin liên tục chạm đáy.
Bitmain, công ty máy đào tiền ảo lớn nhất thế giới, cũng đang lao đao bởi biến động bất ngờ của thị trường. Năm ngoái, công ty muốn niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông, nhưng đến nay yêu cầu của công ty vẫn chưa được phê chuẩn. Wu Jihan, người đồng sáng lập công ty, có thể sẽ đối mặt với thất bại đầu tiên.
Một công ty đầu tư mạo hiểm ở Thượng Hải nhận định, trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm một thỏa thuận đột phá trong chiến tranh thương mại với Mỹ, Bắc Kinh có thể sẽ cứu Bitmain nhờ triển vọng của công ty trong phát triển thiết bị bán dẫn.
0 nhận xét: