Ackman từng được gọi là tiểu Buffett với những thương vụ đầu tư vào các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là đường sắt. Thành công nhanh và phi thường vậy, cũng không khó hiểu khi Bill Ackman bắt đầu tự hào và chủ quan.
Câu chuyện về "baby Buffett" được bắt đầu khi vào ngày 11/5/1966 tại quận Chappaqua, New York, trong một gia đình Do Thái giàu có, người đàn ông mang tên William Albert (Bill) Ackman ra đời trong một gia đình danh giá. Dường như cuộc sống cũng như việc học tập của ông có nhiều lợi thế so với những người bạn cùng trang lứa.
Năm 1988, Ackman tốt nghiệp cử nhân loại ưu tại Đại học Harvard với chuyên ngành lịch sử và bốn năm sau, ông nhận bằng MBA tại trường kinh doanh Harvard Business. Vừa ra trường, Ackman làm việc với cương vị Chủ tịch HĐQT cho công ty gia đình trong lĩnh vực môi giới bất động sản "Ackman Brothers & Singer Inc" nổi tiếng thời ấy.
Tuy nhiên, con đường dễ dàng lại không phải lựa chọn của Ackman. Ông nhanh chóng tìm ra sự thích thú trong công việc đầu tư và chọn đó là hướng đi chính của nghề nghiệp sau này. Dù vậy, khởi đầu của Ackman cũng không mấy suôn sẻ.
Với sở thích đi ngược đám đông, thích sự ồn ào và chú ý từ người khác, Ackman nhanh chóng thu hút sự chú ý với những thương vụ đầu tư những năm cuối thập kỷ 90. Huy động được hàng chục triệu USD từ những nhà đầu tư lúc bấy giờ đưa Ackman trở thành một trong những cái tên nổi tiếng. Tuy nhiên, hàng loạt quyết định sai lầm sau những thành công ban đầu, sự hiếu thắng trong tính cách của người đàn ông Do Thái này khiến công ty ban đầu bị tuyên bố phá sản vào năm 2003.
Đừng dậy từ thất bại đầu tiên, Ackman đứng ra thành lập một quỹ phòng hộ của riêng ông với tên gọi là Pershing Square Capital Management vào năm 2004 với 54 triệu USD vốn gốc từ ba nhà đầu tư ẩn danh.
Khi đó Bill Ackman cho rằng chiến lược đầu tư của ông rất đơn giản: Một, tập trung vào chất lượng của doanh nghiệp – đòi hỏi sự phân tích kỹ lưỡng về mô hình kinh doanh; hai, định giá doanh nghiệp phải ở mức đủ hấp dẫn để ông quan tâm. Song thay vì phó thác hoạt động kinh doanh cho ban lãnh đạo, Bill Ackman thích được trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh do quỹ đầu tư của ông rót tiền. Và những thành công ban đầu đã nhanh chóng đến với Ackman.
Kiếm được hàng trăm triệu đôla nhờ đánh cược trong đợt khủng hoảng kinh tế năm 2007, Pershing Square của Ackman còn nổi tiếng với thương vụ mua lại cổ phần hãng chuỗi fast-food Wendy’s International và buộc công ty này phải bán lại cổ phần chuỗi donuts Tim Hortons. Quỹ Pershing Square Capital Management của Bill Ackman cũng đạt tỷ lệ sinh lợi kỷ lục với một loạt các hãng tiêu dùng và bán lẻ lớn như Burger King, Mondelez International, Kraft Foods, JC.Penney, Target hay Air Products and Chemicals.
Ackman từng được gọi là tiểu Buffett với những thương vụ đầu tư vào các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là đường sắt. Thành công nhanh và phi thường vậy, cũng không khó hiểu khi Bill Ackman bắt đầu tự hào và chủ quan. Ông thường xuyên lên báo giới, đặt mục tiêu đứng số 1 top 20 quỹ đầu tư mang lại lợi nhuận lớn nhất cho nhà đầu tư mọi thời đại. Chính vì vậy ông đã bắt đầu từ bỏ các nguyên tắc cẩn trọng trong đầu tư.
Một thương vụ cũng lớn không kém là cuộc tấn công nhằm vào công ty chuyên bán vitamin và thực phẩm bổ sung Herbalife. Sau khi có bài thuyết trình kéo dài tới 3 tiếng đồng hồ và 334 slide, Ackman gọi Herbalife là một mô hình "kim tự tháp" và cho rằng công ty này không tạo ra doanh thu thực, gây tổn hại cho các cộng đồng trên toàn thế giới: "Nếu tôi đúng, cổ phiếu công ty này sẽ thành mớ giấy lộn", Ackman khẳng định ông chưa bao giờ tự tin vào việc bán khống một cổ phiếu nào hơn thế.
Câu chuyện bắt đầu từ tháng 5/2012, khi David Einhorn gây bất ngờ bằng việc đưa ra những câu hỏi hóc búa về hoạt động kinh doanh của Herbalife trong buổi công bố kết quả kinh doanh tới các cổ đông qua điện thoại (earnings call). Quan trọng nhất là yêu cầu Herbalife công bố số liệu bán hàng phân chia rõ tỷ lệ bán nội bộ cho các người bán hàng của mình so với bán ra ngoài cho người tiêu dùng cuối cùng, đặt ra dấu hỏi về mô hình hoạt động của hãng.
Sau phát biểu của Einhorn, cổ phiếu của Herbalife đã ngay lập tức giảm từ 70 xuống còn 45 USD. Đến lúc này các nhà đầu tư mới nhận ra rằng cổ phiếu của Herbalife đã bị bán khống.
Cổ phiếu Herbalife tiếp tục dao động quanh mức 45 USD cho tới tháng 12. Trong thời gian này Bill Ackman đã âm thầm xây dựng chiến lược bán khống với khối lượng 20 – 25 triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, đã xảy ra một "cuộc chiến" nhỏ trong giới đầu cơ. Sau diễn biến này, cộng đồng quỹ đầu cơ đã vào cuộc. Robert Chapman và Dan Loeb cho rằng lập luận của Ackman là một "trò lố bịch". Loeb tiết lộ ông đã mua vào 8,2% cổ phần Herbalife.
Ngày 25/1, Scott Wapner đưa Bill Ackman lên sóng CNBC và sau đó là Carl Icahn. Icahn vẫn nổi tiếng là người không thích Ackman và một cuộc đấu khẩu dài 25 phút đã nổ ra. Ngày 14/2, ông mua vào một lượng lớn cổ phiếu Herbalife. Không lâu sau đó George Soros cũng mạnh tay mua vào.
Tính đến đầu tháng 6/2015, cổ phiếu Herblife được giao dịch quanh mức 50 USD và cuộc chiến giữa Ackman và Herbalife không mang lại kết quả gì sau nhiều năm liên tiếp. Năm 2015, ông tiếp tục đầu tư đến 40% của danh mục trị giá 19 tỷ USD vào Valeant Pharmaceuticals (NYSE: VRX), một công ty thương mại dược phẩm gốc Canada. Đây đã trở thành một trước những nước đi sai lầm nhất trong cuộc đời Ackman.
Ủy ban quản lý Dược & Thực phẩm (FDA) của Mỹ đi vào điều tra Valeant, và giá cổ phiếu cứ thế rơi không phanh một cách bất ngờ với Ackman. Ackman liên tục chống chế trước báo chí, thậm chí còn mua thêm cổ phiếu VRX, bất chấp đạo đức của ban lãnh đạo Valeant "thuộc hạng cống rãnh" như lời của Munger. Cổ phiếu VRX giảm 95% xuống còn $11 trong vòng 1 năm rưỡi, Ackman đành phải bán cắt lỗ với khoản lỗ lên tới 2,8 tỷ USD.
Sau nhiều năm liên tục thua lỗ, năm 2015 lỗ 20,5%, 2016 lỗ 13,5%, 2017 lỗ 4%, quỹ của Ackman dường như đã đạt được thành công khi năm 2018 chỉ lỗ 0,7%. Không ổn ào và trở nên kín tiếng hơn trước, nhưng để trở lại như thành công năm xưa, khi mà NAV đã giảm quá 50% là một chặng đường không dễ với nhà đầu tư này.
Cuối năm 2017, Bill Ackman đã thừa nhận rằng "Tôi chẳng tìm thấy niềm vui nữa. Mất tiền của cổ đông không phải là một việc dễ chịu chút nào.Tôi sẽ nỗ lực tìm kiếm lại hào quang thêm một lần nữa."
Sau này trong chính một bài phỏng vấn với thời báo kinh tế, Bill Ackman đã thừa nhận rằng "Kỷ luật và kiên nhẫn là một trong những yếu tố quan trọng để đạt được sự thành công trong đầu tư, tuy nhiên không phải nhà đầu tư nào cũng biết điều này, hoặc biết nhưng cũng khó có thể thực hiện được. Trong bối cảnh các chiến lược đầu cơ ngày càng trở nên phổ biến và được ưa chuộng với mong muốn kiếm lợi nhuận nhanh thì việc tôn trọng kỉ luật, nguyên tắc và kiên nhẫn duy trì một khoản đầu tư trở thành một điều xa xỉ."
Tất nhiên, việc thực hành các triết lý đầu tư là không hề đơn giản. Ngoài hiểu biết toàn diện về đánh giá doanh nghiệp, nhà đầu tư cần có bản lĩnh vững vàng để giữ tâm trí mình độc lập trước hành động của đám đông. Đồng thời cũng cần tỉnh táo khi xem xét diễn biến của thị trường để vừa nắm bắt được tâm lý đại đa số đám đông, vừa kiểm soát được lý trí và kỉ luật của bản thân để sẵn sàng trước một phi vụ đang tới.
0 nhận xét: